Trên 80% dân số thế giới sử dụng Y học cổ truyền

áng ngày 12/4, tại tỉnh Lào Cai – địa phương có nhiều tiềm năng phát triển về dược liệu, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị toàn quốc của Chính phủ về phát triển dược liệu ở Việt Nam.

Tham dự hội nghị có Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo 63 tỉnh thành trong cả nước, lãnh đạo một số bộ, ngành và đông đảo các chuyên gia ngành dược liệu… Điều này cho thấy tầm quan trọng và sự quan tâm có hệ thống từ trung ương đến địa phương với y học cổ truyền nói chung và phát triển ngành dược liệu nói riêng.

Tiềm năng to lớn của ngành dược liệu

Trong phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ, ngành, địa phương trong cả nước cần tìm giải pháp để khắc phục những hạn chế, bất cập của ngành dược liệu cổ truyền Việt Nam. Các bên cần thống nhất những giải pháp để quyết tâm đưa ngành sản xuất, chế biến dược liệu đi vào quỹ đạo phát triển mạnh mẽ, phát huy tiềm năng to lớn và lợi thế ngàn đời nay của đất nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị

Thủ tướng nêu rõ, Nhà nước ta luôn xác định phải kết hợp y học hiện đại với y học cổ truyền trong việc khám và điều trị bệnh cho nhân dân. Với 3/4 diện tích lãnh thổ là đồi núi, nước ta đã ghi nhận trên 5.000 cây thuốc quý có khả năng chữa bệnh. Đây là lợi thế to lớn trải đều ở tất cả các địa phương trên cả nước và là tiền đề để nước ta phát triển phục vụ nhu cầu trong nước, tiến tới xuất khẩu để đem về ngoại tệ cho nền kinh tế.

Chia sẻ thông tin tại hội nghị, lãnh đạo ngành y tế cho biết, theo WHO, hiện có trên 80% dân số thế giới sử dụng y học cổ truyền. Đặc biệt là sử dụng các chế phẩm, sản phẩm từ dược liệu, kể cả các nước phát triển và đang phát triển. Tại Việt Nam, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, thuốc có nguồn gốc từ cây dược liệu trong nước chiếm ít nhất 30%.

Đặc biệt, Việt Nam sở hữu nhiều loài dược liệu quý hiếm, đặc hữu như sâm Ngọc Linh, châu thụ, ba kích, ngân đằng… Quá trình điều tra về tri thức bản địa trên cả nước đã tổng hợp được danh mục nhiều loài dược liệu từ cộng đồng các dân tộc và thu thập, sưu tầm được gần 1.300 bài thuốc dân gian. Những tri thức bản địa này là cơ sở quan trọng góp phần hỗ trợ cho việc sàng lọc, nghiên cứu phát triển sản phẩm từ dược liệu phục vụ công tác phòng và chữa bệnh cho nhân dân.

Báo cáo của Bộ Y tế cũng cho thấy, tính đến nay nước ta đã ghi nhận 5.117 loài thực vật (cả nấm), 408 loài động vật và 75 loại khoáng vật có dược tính và có thể dùng làm thuốc. Trong số đó, có khoảng 70 loài có tiềm năng khai thác với trữ lượng lớn như diếp cá (5.000 tấn), lạc tiên (1.500 tấn), cẩu tích (1.500 tấn), rau đắng đất (1.500 tấn)…

Cùng với đó, việc nuôi trồng dược liệu còn đem lại giá trị kinh tế cao. Thu nhập từ việc nuôi trồng dược liệu cao hơn hẳn so với việc trồng các nhóm cây lương thực (cao hơn gấp 5-10 lần trồng lúa). Cụ thể, người trồng đương quy có thể có thu nhập từ 90-100 triệu đồng/ha/năm; cây atiso thu được 60-80 triệu đồng/ha/năm, trong khi cây lúa chỉ từ 20-40 triệu đồng/ha/năm…

Phát triển dược liệu gắn với nhu cầu thị trường

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tiềm năng to lớn của ngành dược liệu Việt Nam. Ông khẳng đinh: “Có thể nói kho tàng dược liệu Việt Nam là vô giá và tất cả 63 tỉnh, thành đều có thể phát triển được dược liệu. Dược liệu không chỉ góp phần xóa đói giảm nghèo mà còn giúp làm giàu nếu biết tổ chức và quản lý tốt”.

Thủ tướng cũng biểu dương, đánh giá cao một số địa phương đã quan tâm và thành công bước đầu trong việc phát triển một số cây dược liệu có tính chất hàng hóa lớn như nghệ, thảo quả, táo mèo, atiso, hoa hòe, quế, cúc hoa… Bước đầu nước ta đã có một số sản phẩm từ cây sâm Ngọc Linh.

Thủ tướng tham quan dây chuyền sản xuất cao atiso của tại tỉnh Lào Cai

Tuy nhiên, ngành dược liệu Việt Nam vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của nó. Cả nước mới có 400 xí nghiệp sản xuất, bào chế dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu với quy mô khác nhau.

Về quan điểm, định hướng phát triển ngành dược liệu trong thời gian tới, Thủ tướng khẳng định sự quan tâm của Nhà nước không đồng nghĩa với việc bao cấp. Các đơn vị phải đầu tư nghiên cứu khoa học công nghệ, đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi giá trị. Tăng cường sơ chế, chế biến dược liệu và quảng bá mạnh mẽ hơn nữa. Phát triển dược liệu phải gắn liền với nhu cầu thị trường.

Bên cạnh đó, cần nhìn nhận lại vai trò của dược liệu trong phạm vi quốc gia, trong từng địa phương, từng ngành. Đặc biệt, ngành y tế cần chú trọng, tập trung phát triển. Phải tổ chức lại tất cả các khâu của ngành dược liệu. Trong đó, chú ý khâu sản xuất, sơ chế, chế biến, sử dụng. Cần kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại và xem việc phát triển dược liệu trong nước phải là một chiến lược của ngành y tế.

Cùng với các thành phố lớn, các địa phương đặc biệt là địa phương có tiềm năng phát triển dược liệu lớn cần thu hút, đưa nhà máu chế biến về các vùng sản xuất dược liệu có quy mô. Cần nghiên cứu, tạo điều kiện để hình thành và phát triển các trung tâm dược liệu lớn.

Từ những quan điểm, định hướng như vậy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ để phát triển cây dược liệu, công nghiệp dược liệu thì nước ta phải có một số chính sách đặc thù. Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ và một số bộ liên quan xây dựng cơ chế này.

Bộ Y tế cũng cần chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ liên quan xây dựng Chương trình khoa học công nghệ trọng điểm về dược liệu. Chú trọng hơn nữa tới việc bảo tồn các nguồn gene, phát triển các cây thuốc quý hiếm, có tính đặc hữu. Nghiên cứu, để xuất các chính sách hỗ trợ phát hiện, đăng ký, công nhận sở hữu trí tuệ và thương mại hóa với các bài thuốc cổ phương. Tiếp tục đẩy mạnh việc phát triển y dược cổ truyền kết hợp với y dược hiện đại.

Bên cạnh đó, các bộ, ban, ngành cần chọn một số sản phẩm từ dược liệu quý hiếm, đặc hữu (bao gồm cả các loại thuốc cổ truyền) có giá trị kinh tế cao để đầu tư phát triển. Coi như sản phẩm quốc gia hoặc áp dụng các chính sách hỗ trợ ưu đãi của sản phẩm quốc gia. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất chính sách tăng cường liên kết giữa 5 nhà là nhà khoa học, nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà quản lý và nhà bang. Tạo mỗi liên kết chặt chẽ giữa các địa phương, các vùng. Thúc đẩy hình thành và phát triển các vùng chuyên canh quy mô lớn để có thể áp dụng quy trình quản lý chất lượng tiên tiến, công nghệ hiện đại vào quá trình nuôi trồng.

Thủ tướng chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế trong việc công nhận các giống cây thuốc, bảo đảm nguồn gene, chất lượng giống. Khẩn trương ban hành bộ quy chuẩn trong nuôi trồng dược liệu…

Về sử dụng dược liệu, Thủ tướng Chính phủ cho rằng cần đưa việc sử dụng dược liệu, thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu vào danh mục thuốc bảo hiểm chi trả. Cần có cơ chế đặc thù để thanh toán cho các loại thuốc nam, dược liệu tươi dùng trong khám chữa bệnh. Tăng cường thông tin, tuyên truyền, tư vấn để người dân hiểu về việc sử dụng dược liệu và khuyến khích việc khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền. Đơn giản hóa thủ tục thanh toán để tạo thuận lợi cho người dân khi sử dụng kết hợp đông – tây y trong điều trị tại cơ sở y tế các tuyến. Đưa ra tiêu chuẩn quy đinh về đấu thầu mua dược liệu, thuốc cổ truyền, các sản phẩm sản xuất từ dược liệu trong nước.

Các bộ, ngành, địa phương trong cả nước phải quan tâm chỉ đạo, điều hành, giao nhiệm vụ và trách nhiệm, bố trí nhân sự làm công tác quản lý nhà nước về dược liệu. Đặc biệt, các địa phương trọng điểm cần phân công nhân sự chuyên trách quản lý về dược liệu. Qua đó, tăng cường thực hiện quản lý, giám sát chặt chẽ việc xuất – nhập khẩu, phân phối, lưu thông các loại dược liêu. Đồng thời, ngăn chặn nạn buôn bán dược liệu trái phép, gian lận thương mại trong kinh doanh dược liệu, đảm bảo chất lượng dược liệu và sản phẩm dược liệu ở thị trường trong nước.

Các địa phương, đặc biệt là các tỉnh có tiềm năng lớn về sản xuất dược liệu cần xây dựng đề án quy hoạch, kế hoặc cụ thể, bố trị diện tích phù hợp để nuôi trồng, phát triển dược liệu. Đặc biệt là các giống đặc hữu, sẵn có của địa phương. Tạo mọi thuận lợi về thủ tục hành chính, chính sách cho các dự án nuôi trồng dược liệu. Cần đẩy mạnh hơn nữa việc hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm của các nước.

Thủ tướng Chính phủ tin tưởng, sau Hội nghị này, với các chính sách và giải pháp phù hợp ngành dược liệu Việt Nam sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ.

 

Ngành dược liệu Việt Nam: Đâu là đột phá?

 

Mặc dù có nhiều tiềm năng nhưng việc phát triển ngành dược liệu đang gặp không ít khó khăn, thách thức với tình trạng dược liệu bẩn, dược liệu giả, rác dược liệu, khai thác tràn lan, kỹ thuật nuôi trồng yếu kém, nhiều bài thuốc bị mai một…

 

13a.jpg
Cà gai leo và dây thìa canh đã trồng thành công tại xã Yên Than (Tiên Yên – Quảng Ninh), mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho nông dân.

Để khai thác có hiệu quả thế mạnh cây dược liệu, nâng cao sức khoẻ người dân, bảo tồn hệ sinh thái cũng như đảm bảo lợi ích kinh tế, vẫn còn nhiều vấn đề cần phải quan tâm tháo gỡ.

Tiềm năng và thị trường

Theo thống kê của Viện Dược liệu, Việt Nam ghi nhận có trên 5.000 loài thực vật và nấm, 408 loài động vật và 75 loại khoáng vật có công dụng làm thuốc. Trong số những loài đã công bố, có nhiều loài được xếp vào loại quý hiếm trên thế giới như: sâm Ngọc Linh, Tam thất hoang, Bách hợp… Trong đó, sâm Ngọc Linh là một trong những loại sâm có hàm lượng saponin (có công dụng chống lão hóa, ức chế tế bào ung thư) cao nhất, cao hơn cả những loại sâm quý được nghiên cứu sử dụng lâu đời trên thế giới như sâm Triều Tiên, sâm Trung Quốc.

Ngành y tế đã duy trì mạng lưới bảo tồn nguồn gen tại 7 vùng sinh thái gồm: vùng Đồng bằng sông Hồng (Hà Nội), vùng trung du phía Bắc (Tam Đảo – Vĩnh Phúc), vùng núi cao phía Bắc (Lào Cai), vùng Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa), vùng Tây Nguyên (Đà Lạt – Lâm Đồng), vùng Duyên hải Nam Trung Bộ (Phú Yên) và vùng Đông Nam bộ (TP Hồ Chí Minh). Đồng thời, ngành đã lưu giữ và bảo tồn 1.531 nguồn gen thuộc 884 loài cây thuốc tại 7 vườn cây thuốc thuộc các đơn vị; 100%  nguồn gen bảo tồn được đánh giá ban đầu; 30% nguồn gen được đánh giá chi tiết về các chỉ tiêu sinh trưởng và phát triển… Công tác ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại trong phát triển dược liệu theo hướng dựa trên ứng dụng kết quả nghiên cứu, tạo sản phẩm phục vụ nhu cầu thị trường, xây dựng các vùng trồng dược liệu, bảo tồn lưu giữ nguồn gen dược liệu và tri thức bản địa; một số sản phẩm dược liệu viên dầu gấc, cao trinh nữ hoàng cung, diệp hạ châu, tinh dầu tràm… đã được xuất khẩu.

Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, cha ông ta đã tích lũy kho tri thức khổng lồ về dược liệu và y học cổ truyền với 1.300 bài thuốc.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 80% dân số nông thôn và các nước đang phát triển vẫn dựa vào thuốc thảo dược để chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Ở các nước có nền công nghiệp phát triển, 1/4 số thuốc thống kê trong các đơn đều có chứa hoạt chất thảo mộc.

Còn tại Việt Nam, theo báo cáo của Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), mỗi năm nước ta tiêu thụ khoảng 50 – 60 nghìn tấn các loại dược liệu khác nhau, sử dụng vào việc chế biến vị thuốc y học cổ truyền, nguyên liệu ngành công nghiệp dược hoặc xuất khẩu.

Hệ thống khám – chữa bệnh bằng y học cổ truyền hiện có hơn 60 bệnh viện y học cổ truyền công lập; hơn 90% bệnh viện đa khoa cấp tỉnh có bộ phận y học cổ truyền; khoảng 80% trạm y tế xã có hoạt động khám – chữa bệnh bằng y học cổ truyền và gần 7.000 cơ sở hành nghề y học cổ truyền tư nhân sử dụng dược liệu trong khám chữa bệnh. Với thị trường tiêu thụ như vậy, dược liệu nói chung và cây thuốc nói riêng mang lại giá trị kinh tế  hơn bất kỳ cây lương thực, thực phẩm nào..

Nhiều hạn chế

Ông Phạm Vũ Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý y, dược cổ truyền, cho rằng, mặc dù có tiềm năng thế mạnh lớn, nhưng hiện nay, Việt Nam mới chỉ tự cung cấp được 25% nguyên liệu để phục vụ việc sản xuất thuốc trong nước, còn lại 75% phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Việt Nam cũng chưa đưa được các bài thuốc quý trở thành hàng hóa có giá trị cao và được sử dụng rộng rãi.

Nói về vấn đề này, ông Đào Văn Hồ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT) nêu quan điểm: Việt Nam có nhiều dược liệu có tiếng nhưng một trong những điểm hạn chế là chưa làm tốt khâu xúc tiến thương mại. Việc sản xuất, chế biến, đưa sản phẩm y dược cổ truyền ra thị trường chưa được kết nối tốt.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng chưa đưa được các bài thuốc quý trong cộng đồng ra sử dụng rộng rãi; khai thác dược liệu chưa có tổ chức, không có kế hoạch, không có hướng dẫn khai thác gắn với bảo tồn, phát triển bền vững, dẫn đến một số loài cây thuốc có nguy cơ cạn kiệt hoặc tiệt chủng, thậm chí nhiều bài thuốc quý đã bị mai một, thất truyền hoặc bị đánh cắp, giả mạo.

Lâu nay, dược liệu của ta không được quản lý tốt, thương lái nước ngoài thu mua tự do hoặc chỉ chế biến thô rồi xuất tiểu ngạch nên hiệu quả rất thấp.

Thêm nữa, công nghiệp chế biến dược liệu chưa đủ mạnh để sản xuất sản phẩm chất lượng cao. Chưa có chính sách thu hút đầu tư trồng, chế biến dược liệu. Nghiên cứu khoa học về dược liệu còn yếu.

13b.JPG
 

Vườn sâm Ngọc Linh giống của Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum trên núi Ngọc Linh, thuộc địa phận huyện Tu Mơ Rông. Ảnh: Bạch Dương.

Kỹ thuật canh tác và quản lý chất lượng trong sản xuất cây dược liệu còn hạn chế. Cây dược liệu có yêu cầu khắt khe trong kỹ thuật canh tác, làm sao vừa đảm bảo hàm lượng hoạt chất, vừa đảm bảo năng suất; yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm rất cao, tuy nhiên, việc nghiên cứu về thành phần sâu, bệnh hại trên cây dược liệu, quy trình canh tác tổng hợp, quy trình phòng trừ sâu bệnh hại chưa được thực hiện.

Khâu đột phá: Tổ chức sản xuất gắn với chế biến

Trước những tồn tại của ngành dược liệu, một số chuyên gia cho rằng, để phát triển dược liệu và sản phẩm từ dược liệu, cần triển khai đồng bộ và quyết liệt nhiều giải pháp như: Nhóm giải pháp hoạch định, tổ chức, quản lý; nhóm giải pháp về khoa học công nghệ; nhóm giải pháp về bảo tồn và phát triển bền vững…

Gần đây, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã rà soát, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ tổng thể cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình triển khai nuôi trồng và khai thác dược liệu, hướng tới xuất khẩu sản phẩm có nguồn gốc từ dược liệu, hạn chế nhập khẩu dược liệu thô.

Xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp với công tác phát triển dược liệu, như: hỗ trợ đầu tư về tín dụng,  vốn vay, cơ sở vật chất; hỗ trợ giống và kỹ thuật, công nghệ… cho người sản xuất, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực trồng trọt, chế biến cây dược liệu.

Tăng cường công tác khuyến nông cho cây dược liệu theo hướng chuyển giao kỹ thuật cho hộ nông dân. Tổ chức tập huấn, xây dựng các mô hình chuyển giao kỹ thuật; xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Khuyến khích các hộ nông dân dồn điền, đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng để phát triển thành vùng sản xuất cây dược liệu tập trung, chuyên canh, thuận lợi cho áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong vùng quy hoạch. Các địa phương cần có chính sách ưu đãi hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, sơ chế, chế biến cây dược liệu trên địa bàn tỉnh.

Khai thác phải đảm bảo hài hòa, phù hợp với bảo tồn, duy trì nguồn gen cây dược liệu. Khuyến khích áp dụng công nghệ cao trong trồng, khai thác, bảo quản sau thu hoạch và chế biến cây dược liệu. Nghiên cứu và ứng dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến, điều tra thành phần sâu bệnh hại trên cây dược liệu, nghiên cứu đề xuất biện pháp quản lý tổng hợp sâu bệnh hại trên cây dược liệu nhằm vừa đảm bảo năng suất, chất lượng, vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tổ chức sản xuất, tạo liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất, chế biến dược liệu; phối hợp với người dân, chính quyền địa phương xây dựng, phát triển vùng sản xuất nguyên liệu các loài cây thuốc theo quy hoạch, đặc biệt đối với những loại dược liệu đang có nhu cầu lớn, phù hợp với điều kiện sinh thái và địa lý của từng địa phương

Để ngành dược liệu Việt Nam khai thác tốt tiềm năng, trở thành ngành kinh tế lớn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Phải nhanh chóng tìm biện pháp tổ chức sản xuất gắn với chế biến, thay vì chỉ chế biến thô có hiệu quả thấp. Cùng với đó, tổ chức một số trung tâm sản xuất, chế biến dược liệu có quy mô lớn; các tổ chức, doanh nghiệp cần tăng cường xúc tiến thương mại, tìm đầu ra, tiêu thụ sản phẩm dược liệu, bao gồm cả thị trường trong nước và xuất khẩu; các cơ quan nhà nước phải mạnh tay hơn nữa đối với nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

 Thanh Xuân