NGƯỜI DAO VÀ NHỮNG NÉT VĂN HÓA ĐỘC ĐÁO

Người Dao là một dân tộc thiểu số trong số 54 dân tộc ở Việt Nam. Dân tộc Dao có nhiều nhóm khác nhau, mỗi nhóm có ngữ hệ khác nhau. Về chữ viết, họ sử dụng chữ Hán đã được Dao hóa, gọi là chữ Nôm Dao. Nguồn gốc xa xưa của người Dao xuất phát ở đảo Hải Nam – Trung Quốc. Họ bắt đầu di cư sang Việt Nam vào thời Lê (vào khoảng cuối thế kỷ 17), từ đảo Hải Nam, qua Phòng Thành, tới Bắc Giang. Tới đây, họ di chuyển theo các hướng khác nhau, hình thành nên 3 nhóm: Theo sông Lô tới Hà Giang hình thành nên người Dao áo dài; Theo sông Chảy tới Lào Cai hình thành nhóm Dao Tuyển; Nhóm ở lại vùng Nga Hoàng thuộc Yên Lập, Yên Phúc một thời gian, sau đó di chuyển tới Văn Chấn (Yên Bái), rồi Văn Bàn (Lào Cai) là tổ tiên người Dao quần chẹt ngày nay. Ở nước ta, cộng đồng người Dao có mặt và sinh sống tại 61 trong tổng số 63 tỉnh thành.

Vài trăm năm trước, trong cuộc thiên di của người Dao, một nhóm người Dao Quần chẹt vào vùng núi Ba Vì. Họ sống nơi xó rừng góc núi, nổi trôi như những đám mây trên trên núi Tản, đốt nương làm rẫy, cuộc sống hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên. Khi Vườn Quốc gia Ba Vì được thành lập, thực hiện chính sách Hạ sơn, Nhà nước đã đưa toàn bộ người Dao từ trên núi xuống định cư tập trung trong ba thôn Hợp Nhất, Hợp Sơn và Yên Sơn của xã Ba Vì. Cho đến nay, ở xã vẫn hầu hết là người Dao, chiếm đến 98% dân số.

Người Dao có rất nhiều nét văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc vẫn được lưu giữ đến nay. Lễ Cấp Sắc là một trong những phong tục lâu đời và độc đáo nhấtcủa người Dao và được coi là thủ tục không thể thiếu của đàn ông người Dao. Đối với người đàn ông dân tộc Dao được cấp sắc mới được coi là người đàn ông đã trưởng thành, được làm lễ cúng bái và được giao tiếp với cõi âm. Lễ được diễn ra rất thiêng liêng có thầy cúng và bà con trong bản chứng kiến. Lễ Cấp Sắc khá tốn kém, nên gia đình muốn tổ chức phải chuẩn bị, đến khi có điều kiện mới làm. Theo phong tục, nếu chưa làm lễ Cấp Sắc thì khi chết, làm lễ đưa ma chỉ được rải cầu bằng giấy dưới đất để đưa ra khỏi nhà, trong khi những người được cấp sắc rồi thì được đục cửa, bắc một cái cầu cao đưa ra khỏi nhà, coi như được đưa lên trời.

Với dân tộc Dao, mỗi người từ khi sinh ra đến khi mất đi đều trải qua những nghi lễ theo đúng tập tục cổ truyền. Khi sinh ra, gia đình phải làm lễ nhập tịch để đứa trẻ chính thức được làm người nhà mình; lúc đầy tháng phải cúng vun hoa cho đứa trẻ chóng lớn, khỏe mạnh; lớn lên dựng vợ gả chồng thì làm lễ tơ hồng để chúc phúc cho đôi lứa mãi mãi bền chặt; lúc có điều kiện thì làm lễ cấp sắc. Người Dao không ăn giỗ mà chỉ làm cỗ lúc sống (ngày sinh nhật). Khi chết đi thì đào sâu chôn chặt, không cải táng. Khi gia đình có đủ điều kiện thì lập nhà thờ Tổ. Người Dao thờ thủy tổ là Bàn Hồ (hay còn gọi Bàn Cổ). Theo truyền thuyết Bàn Hồ vốn là một long khuyển mình dài 3 thước, lông đen với các sọc vàng từ đầu đến đuôi. Ông này vốn từ trên trời giáng xuống trần gian. Do lập nhiều công trạng đánh đông dẹp bắc, nên Bàn Hồ được Bình Hoàng gả cung nữ cho. Bàn Hồ sinh được sáu người con trai và 6 người con gái, 12 người con lấy 12 họ khác nhau, lập ấp sinh sống ở các vùng khác nhau. Cuộc thiên di của họ vô cùng vất vả, gian khổ, phải vượt qua không biết bao nhiêu sông, núi, rừng hoang cách trở. Nhiều người chết dọc đường vì đói khát và bệnh tật, đồng thời cũng do bị người bản địa đánh đuổi. Những hành trình này được ghi chép lại và là nét điển hình trong nghệ thuật thơ ca dân gian của người Dao.

Những lễ hội độc đáo của người Dao như Tết Nhảy là cách để người Dao tri ân trời đất và các vị thần đã cứu giúp tổ tiên người Dao sống sót qua những sóng gió trong cuộc thiên di. Tết Nhảy là một lễ hội lớn của người Dao, còn lớn hơn Tết Nguyên Đán, thường được tổ chức từ tháng 11 đến hết 20 tháng 12 âm lịch hàng năm. Trước đây, Tết Nhảy kéo dài đến 10 ngày đêm, giờ người Dao ở Ba Vì chỉ tổ chức 3 ngày 3 đêm. Tết Nhảy là tết của gia đình nhưng lại được cả bản, cả vùng coi như tết chung và đến chung vui. Người tham dự Tết nhảy múa liên tục cả ngày cả đêm, ai mệt thì ra, người khác sẽ thay thế, mỗi người nhảy múa hàng trăm lượt. Đến ngày kết thúc, hai thầy múa mặc váy với áo thêu lên đồng rồi ra ngoài cửa chính thổi tù và báo cáo Ngọc Hoàng đã làm xong lễ Tết nhảy. Sau đó, dân bản cùng ăn thịt uống rượu, chúc gia chủ một năm tốt lành.