NGHỀ THUỐC NAM CỔ TRUYỀN CỦA NGƯỜI DAO Ở BA VÌ

Mỗi dân tộc trong cộng đồng 54 dân tộc anh em trên Đất nước ta đều mang trong mình những tri thức, những vốn quý riêng về Y học cổ truyền của riêng mình. Dân tộc Dao quần chẹt ở Ba Vì cũng không phải là ngoại lệ. Cùng với những nét văn hóa độc đáo, y học cổ truyền của dân tộc Dao nơi đây mang đậm bản sắc của tri thức bản địa, tạo nên sức lôi cuốn đặc biệt đối với những ai đam mê tìm tòi và khám phá cuộc sống. Sự độc đáo của những bài thuốc nơi đây chính là sự kết tinh của hồn thiêng sông núi bởi có những loài dược liệu đặc hữu chỉ có thể tìm thấy ở núi Ba Vì, nhiều loài cây trong số đó các chuyên gia cũng chưa thể nhận diện, định tên nhưng lại được bao thế hệ người Dao sử dụng để chữa bệnh cứu người. Cộng đồng người người Dao ở đây lưu giữ cả một kho tàng tri thức về chữa bệnh bằng cây cỏ. Khi còn sống trên núi cao, mỗi khi trong bản làng có ai đau ốm, họ tự chữa cho nhau bằng những cây thuốc quanh mình, đồng thời làm lễ cúng bái để “đuổi” bệnh đi.

Tri thức về Y học cổ truyền được người Dao truyền miệng từ đời này sang đời khác và chỉ phổ biến trong cộng đồng của họ. Chỉ đến khi hạ sơn, sống định canh định cư ở vùng đệm của Vườn quốc gia Ba Vì, người Dao mới bắt đầu mang tri thức về cây thuốc của mình phổ biến ra bên ngoài, vừa chữa bệnh cứu người, vừa làm nguồn sinh kế nuôi sống gia đình. Cộng đồng người Dao xã Ba Vì hiện nay thu nhập chủ yếu từ nghề thuốc Nam. Nói đến nghề thuốc Nam, bất cứ người Dao nào trên đất Ba Vì cũng vô cùng tự hào, bởi với những bài thuốc, cây thuốc quý, người Dao không chỉ chữa bệnh cho mình mà còn cứu chữa cho rất nhiều người từ nơi khác đến. Tiếng lành đồn xa, nhiều người bệnh ở khắp nơi vẫn tìm đến đây chạy chữa những căn bệnh hiểm nghèo tưởng như không còn khả năng cứu vãn. Tuy nhiên những tài liệu ghi chép về cây thuốc, bài thuốc cũng rất hiếm, chủ yếu vẫn được truyền miệng như trước đây. Vùng núi Ba Vì sở hữu hơn 500 loài dược liệu, trong đó rất nhiều loài quý và đặc hữu. Đây là một lợi thế của địa phương và có tiềm năng phát triển mở rộng sản xuất và dịch vụ như du lịch tham quan làng thuốc, xây dựng khu nghỉ dưỡng và chữa bệnh…. Tuy nhiên, hàng loạt loài dược liệu quý ở Ba Vì đang bị tận diệt, có nguy cơ tuyệt chủng rất lớn. Nguyên nhân chủ yếu là do đời sống người dân còn khó khăn thiếu thốn đồng thời chính những người đi thu hái, khai thác dược liệu còn thiếu hiểu biết, thiếu ý thức gìn giữ và bảo tồn cây thuốc, chưa có phương pháp tổ chức quản lý để sản xuất tập trung một cách có khoa học. Nếu giải quyết được những vấn đề này, nghề thuốc Nam của người Dao ở Ba Vì hoàn toàn có tiềm năng để phát triển thành một ngành mũi nhọn, đóng góp vào phát triển kinh tế địa phương.